Một Số Từ Và Cụm Từ Cần Tránh Trong IELTS Writing

Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu cho người đọc một số từ và cụm từ cần tránh trong văn viết nói chung cũng như trong bài thi IELTS Writing nói riêng.

1. Từ và cụm từ cần tránh rút gọn

Để đảm bảo được tính lịch sự khi viết văn học thuật. Người viết cần tránh sử dụng các từ rút gọn thường sử dụng trong văn nói và không trang trọng, như: don’t, isn’t, can’t, shouldn’t.

Thay vào đó người viết cần viết đầy đủ và chính xác thành do not, is not, cannot, should not.

Ví dụ:

- On the one hand, some people would argue that we shouldn’t ban cars from city centres.

Câu đúng: On the one hand, some people would argue that we should not ban cars from city centres.

2. Từ và cụm từ cần tránh vì mang tính tuyệt đối

Trong văn viết học thuật, các từ mang tính tuyệt đối thường quá mạnh và đôi khi thiếu chính xác và khách quan. Nếu người viết sử dụng các từ này trong bài viết, người viết có thể mắc lỗi tuyệt đối hoá (generalization) là lỗi khi mà người viết trình bày một quan điểm mang độ chắc chắn tuyệt đối về một vấn đề nhất định.

Ví dụ:

The best solution for this problem is….

Ở ví dụ này, người viết đã sử dụng một từ tuyệt đối là best (tốt nhất) và mắc lỗi tuyệt đối hoá. Vì vậy câu văn trở nên thiếu tính chính xác và mang tính chủ quan của người viết, theo người viết giải pháp được đưa ra là tốt nhất. Tuy nhiên đối với cá nhân khác, có thể tồn tại một giải pháp khác tốt hơn. Vì vậy, rất khó để khẳng định giải pháp vừa đưa ra là giải pháp tối ưu nhất.

Các từ mang tính tuyệt đối thường bao gồm

- Các tính từ so sánh nhất như:  best, most, worst..

- Các trạng từ chỉ tần suất như: never, always, rarely…

- Các phó từ như: extremely, very….

- Các từ hạn định như: most, every, all…

- Các động từ khiếm khuyết như: will, must

Để tránh lỗi tuyệt đối hoá và làm cho bài viết Academic có tính khách quan hơn, người viết cần sử dụng các từ giảm mức độ khẳng định và chắc chắn bao gồm:

Các trạng từ chỉ tần suất: frequently/ usually, often/ commonly…

- Các từ hạn định: many, the majority of, a few, several…

- Các động từ khiếm khuyết: would, could, might, should…

Ngoài ra người viết cần tránh sử dụng các tính từ so sánh nhất và sử dụng các từ ở mức độ nhẹ hơn. Áp dụng đối với ví dụ trên, người viết có thể sửa câu này thành:

An ideal/ feasible/possible solution for this problem is… (Dịch: Giải pháp lý tưởng/ khả thi cho vấn đề này là…)

3. Những từ không cụ thể

Trong bài viết học thuật, ngôn ngữ cần phải cụ thể và chính xác trong các ngữ cảnh để người đọc có thể hiểu được rõ ràng nội dung mà người viết cần truyền đạt. Vì vậy, để đảm bảo điều này, người viết cần tránh sử dụng những từ mơ hồ, chung chung và sử dụng những từ cụ thể hơn. Một số từ cần tránh có thể kể đến:

- Tính từ: Bad, good, nice, wrong… (Các tính từ này thiếu tính cụ thể vì chúng có thể được dùng trong rất nhiều ngữ cảnh)

- Danh từ chỉ đối tượng: thing, stuff … (Các từ này khiến người đọc khó hình dung được các đối tượng cụ thể được nhắc tới)

Ví dụ:

- It is true that video games can be bad to the players in many aspects

(Người đọc chưa hiểu được video games tác động xấu như thế nào tới người chơi)

Sửa lại: It is true that video games can be harmful/ dangerous to the players in many aspects

(Người đọc hiểu được video games có hại/ nguy hiểm cho người chơi)

- Studying abroad can bring many things to students

(Người đọc chưa thấy cụ thể những điều mà đi du học đem lại cho học sinh, có thể là cả lợi ích và tác hại)

Sửa lại: Studying abroad can bring many benefits to students

(Người đọc thấy được  những lợi ích mà đi du học đem lại cho học sinh.)

4. Những từ chỉ rõ giới tính

Trong một số trường hợp khi bài viết học thuật có nội dung tập trung vào đối tượng nam hoặc nữ hoặc so sánh giữa hai nhóm, việc sử dụng ngôn ngữ giới tính là không thể tránh khỏi.

Một số từ chỉ giới tính bao gồm: Man, Woman, Male, Female, Boy, Girl và các từ có hậu tố chỉ giới như -man, -ess,-er và -or.

Ví dụ: Men and women are basically alike when it comes to personality, thinking ability and leadership.

Dịch: Đàn ông và phụ nữ về cơ bản giống nhau về tính cách, khả năng tư duy và khả năng lãnh đạo.

Ở ví dụ trên, người viết muốn nhấn mạnh đến sự giống nhau giữa nam và nữ nên việc sử dụng các từ chỉ giới tính là cần thiết.

Tuy nhiên, trong một số bài viết học thuật mang tính trung lập và không chỉ một đối tượng nào cụ thể, người viết cần tránh sử dụng những từ mang tính phân chia giới tính và thay vào đó là sử dụng các từ thể hiện sự khái quát chung như: people, person, individual, they, human beings.

Ví dụ: Over the next three years, we might see the average man’s weight increase by 10%.

(Dịch: Trong ba năm tới, ta có thể thấy cân nặng trung bình của con người tăng lên 10%).

Ở ví dụ trên mặc dù người viết muốn nói đến cân nặng chung của con người nhưng lại sử dụng một từ thiên về giới tính nam, do đó đã sử dụng ngôn ngữ phân biệt giới. Người viết có thể sử dụng các từ khái quát chung để sửa câu trên thành:

Over the next three years we might see the average person’s weight increase by 10%. (Câu văn mang tính trung lập và không nhấn mạnh tới yếu tố giới tính.)

Tổng kết

Như vậy, bài viết đã cung cấp cho người đọc một số từ cũng như cụm từ cần tránh trong văn viết. Tác giả hy vọng qua những phân tích và ví dụ trên, người đọc có thể sử dụng từ vựng một cách chính xác hơn để đảm bảo tính trang trọng và lịch sự của một bài viết Academic.

Bình luận